Chuyển tới nội dung

“100 ngày nói không với tai nạn lao động” giúp thúc đẩy an toàn tại nơi sản xuất

“100 ngày nói không với tai nạn lao động” giúp thúc đẩy an toàn tại nơi sản xuất

Hơn 60 doanh nghiệp, tổ chức và hiệp hội ngành nghề đã tham gia và cam kết hoàn thành mục tiêu 100 ngày không có tai nạn lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một hoạt động của chiến dịch nhằm khẳng định mối liên hệ giữa an toàn lao động và năng suất lao động tại các doanh nghiệp ngành gỗ và các ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Lễ tổng kết chiến dịch đã được tổ chức ngày 17/1 tại TP HCM. Chiến dịch “100 ngày nói không với tai nạn lao động” do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thông qua Chương trình Phát triển Doanh nghiệp Bền vững (SCORE) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP HCM phối hợp tổ chức. Các đối tác hỗ trợ chiến dịch bao gồm Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), Hiệp hội Chế biến gỗ Tỉnh Bình Dương (BIFA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA) và Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ TP HCM (CSID).

Tổng số 160 cán bộ phụ trách an toàn nhà máy đã tham gia các hoạt động tập huấn, hội thảo chuyên đề và tư vấn giúp xác định, ngăn ngừa các mối nguy hiểm tại nơi làm việc và thiết lập hệ thống phòng cháy chữa cháy hiệu quả. Chín doanh nghiệp đã bổ sung và cập nhật chính sách về sức khỏe và an toàn lao động.

ILO bắt đầu triển khai chương trình SCORE tại Việt Nam từ năm 2011 và đến nay đã hỗ trợ được 213 doanh nghiệp, đại diện cho hơn 94.000 người lao động.
“Chương trình SCORE tự hào vì đã góp phần thúc đẩy an toàn lao động tại các nhà máy Việt Nam. Mức độ phát triển tại Việt Nam đã cho phép chúng ta có thể phòng tránh được mọi tai nạn lao động. Tôi rất vui mừng khi biết rằng rất nhiều doanh nghiệp tham gia chiến dịch đã đạt được mục tiêu,” ông Stephan Ulrich, Quản lý khu vực của Chương trình SCORE thuộc ILO phát biểu. “Cân nhắc với tình trạng thiếu hụt lao động hiện nay và các yêu cầu về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp từ thị trường quốc tế, việc đầu tư vào an toàn vệ sinh lao động là hoàn toàn cần thiết. Điều này sẽ giúp nâng cao sức khỏe và năng suất lao động, giảm tỷ lệ lao động nghỉ việc và giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường ngày một toàn cầu hóa.”
Chương trình SCORE của ILO được Ủy ban quốc gia về Các vấn đề Kinh tế Thụy Sỹ (SECO) và Cơ quan Hợp tác Phát triển Na Uy (NORAD) tài trợ.

Nguồn: ILO